Đăng nhập

Hủy

Đăng ký tài khoản

Hủy

Lấy lại mật khẩu

Hủy

Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ 5/5

Tết Đoan Ngọ (Tết sâu bọ) là một trong những ngày lễ Tết truyền thống ở Việt Nam. Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ thường được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch. Vậy bạn đã biết nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Đoan ngọ 5/5 tại Việt Nam chưa?

1. Đôi nét về Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á như: Việt Nam, Đài Loan, Triều Tiên và Trung Quốc.

Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều và theo phong tục ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí.

Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.

2. Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Người Trung Quốc cho rằng, vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước.

Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Lý giải về sự ra đời của ngày Tết đặc biệt này, người Việt cổ kể rằng, vào một mùa vụ nọ, nông dân trúng mùa, cây trái trĩu quả. Tuy nhiên, không biết từ đâu sâu bọ lại kéo đến dày đặc, ăn hết cây trái trong vườn. Đang đau đầu, không biết làm cách nào để giải quyết được hết số sâu bọ này thì bỗng nhiên một ông lão tên Đôi Truân xuất hiện.

Ông đã hướng dẫn người dân lập đàn cúng với lễ vật đơn giản, chỉ gồm bánh tro, trái cây. Cúng xong rồi, người dân cùng nhau ra trước nhà vận động cơ thể. Chỉ vậy thôi mà sâu bọ bỏ đi hết thật, chẳng còn con nào ở lại.

Ông Đôi Truân giải thích, đây chính là mùa sâu bọ mạnh và hung hăng nhất, mỗi năm cứ làm theo lời ông dặn thì sẽ diệt được hết sâu bọ. Lòng mừng rỡ vì đã đuổi được hết sâu bọ, dân tình chưa kịp cảm ơn thì ông đã đi mất.

Từ đó, dân gian vẫn hay gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan ngọ và cúng vào giữa giờ Ngọ.

3. Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.

Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ "Tết giết sâu bọ" là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.

Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.

4. Món ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ

Những món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ

Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết "ngả rượu nếp" và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra Hà Nội bán, có người chỉ trong một buổi sáng bán được đến cả 10 chậu nếp cẩm.

Cơm rượu miền Trung: Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình dáng vuông vức.

Cơm rượu nếp miền Nam: Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp được gọi là cơm rượu. Cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc.

Còn ở Đà Nẵng, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên.

Ngoài ra, theo truyền thống của người miền trong, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại TP.HCM, vịt quay, heo quay ngày này thường tăng hơn so với ngày thường.

==============================================================

Mọi thắc mắc cần hoặc ý kiến đóng góp cho chúng tôi vui lòng liên hệ:

DU HỌC & TIẾNG TRUNG NGUYÊN KHÔI

CS1: 08, Park2, Time City, Minh Khai, Hà Nội
CS2: Tầng 8, 148 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Hotline: 0965.055.855 – 0983.947.269 – 0965.115.155

Bình luận của bạn